Bộ máy cồng kềnh nhất thế giới
Tại hội thảo khoa học phân quyền, phân cấp trong cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 5/12/2024, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp nói: “Ở Việt Nam, 9-10 người dân "nuôi" một người hưởng lương ngân sách, trong khi ở Trung Quốc là 170, Nga 200, Mỹ 400, Nhật Bản 700”.“Nếu tính đến đầu dân thì bộ máy chúng ta thuộc loại cồng kềnh nhất trên thế giới. Một quốc gia chưa giàu có, chưa dư thừa về tiền bạc, cũng là một dân tộc thông minh, cũng nhận ra vấn đề, tại sao lại để tồn tại một bộ máy cồng kềnh, vô lý như vậy?”, Giáo sư Phan Xuân Sơn đặt câu hỏi.

“Tinh gọn bộ máy là cuộc cách mạng, chúng ta bắt buộc phải sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Hiện nay, cơ cấu tổ chức của nhiều tỉnh quá nhỏ lẻ, có tỉnh dân số chỉ hơn 30 vạn, trong khi có tỉnh gần 4 triệu dân. Điều này là bất hợp lý và cần điều chỉnh”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói.
Bao nhiêu tỉnh sau sáp nhập là hợp lý?
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng dùng từ “sáp nhập” có phần máy móc và chưa phản ánh đúng bản chất. Để phù hợp với tinh thần của Kết luận 126 của Bộ Chính trị, thuật ngữ “sắp xếp” sẽ chính xác hơn.“Con số nhiều người hay nhắc tới là 31 (thời vua Minh Mệnh) là con số hợp lý. Đến Pháp - một đất nước rất giỏi về hành chính, về quản trị quốc gia - khi cai trị Việt Nam họ gần như giữ nguyên các tỉnh, thành như thời vua Minh Mệnh”, Giáo sư Vũ Minh Giang nêu ý kiến.

"Chúng ta không thể chỉ đơn thuần nhập các tỉnh gần nhau mà phải tính đến đặc điểm địa lý, kinh tế và văn hóa từng vùng. Đặc biệt, cần cân nhắc đặc thù của các tỉnh miền núi, nơi diện tích rộng nhưng dân cư thưa thớt, khác hẳn với các tỉnh đồng bằng", bà Nga nói.
Trước những ý kiến đề xuất chúng ta nên sáp nhập còn khoảng 10 tỉnh, Giáo sư Phan Xuân Sơn nêu quan điểm: “Con số 10 hay 20 tỉnh phải có căn cứ. Tại sao Trung Quốc có 38 tỉnh mà Đức có 16 bang? Tại sao nước ta hiện nay là 63 tỉnh thành mà thời vua Minh Mệnh có 31 tỉnh?”.
Giáo sư Phan Xuân Sơn đồng thuận rằng cần phải tính toán các yếu tố dân cư, điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, địa lý và không nhất thiết phải chia tỉnh, thành bằng nhau.Ông lấy ví dụ các tỉnh Nam Định - Hà Nam - Ninh Bình, Thái Bình - Hải Phòng, Hải Dương - Hưng Yên, Phú Thọ - Thái Nguyên và cho rằng về mặt dân cư các tỉnh này quần cư một cách tự nhiên, có văn hóa giống nhau; về mặt địa lý là thống nhất nên dễ dàng thực hiện việc sáp nhập.Điều Giáo sư Sơn lo lắng là năng lực của bộ máy quản lý hành chính: “Ví dụ, nước Pháp có 64 tỉnh thì điều hành kém hơn Trung Quốc? Hiện nay, tỉnh ở nước ta có vài triệu dân thấy vừa, giờ nhập lại thành ra gấp đôi, gấp ba thì điều hành thế nào?”
Đặt ra vài câu hỏi, Giáo sư Phan Xuân Sơn khẳng định: “Hiện nay, Việt Nam điều hành một tỉnh lớn 50-60 triệu dân như Trung Quốc là ngợp ngay. Vì vậy, phải có căn cứ khoa học chắc chắn mới chia lại tỉnh, thành”.
Bên cạnh việc sáp nhập tỉnh, một nội dung quan trọng khác là xóa bỏ cấp huyện để tinh gọn bộ máy hành chính cũng được các chuyên gia, đại biểu Quốc hội quan tâm. Từ 1/3, 694 đơn vị công an cấp huyện với gần 6.000 đội trực thuộc kết thúc hoạt động khi ngành công an sắp xếp thành mô hình thành 3 cấp: bộ - tỉnh - xã.
“Tôi phải dùng từ đột phá, bởi vì từ trước đến nay chưa thực hiện mô hình này bao giờ. Bỏ cấp huyện, một cấp đóng vai trò trung gian, chỉ còn tồn tại cấp xã, cấp tỉnh và cấp Trung ương thời điểm hiện tại là hoàn toàn hợp lý”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, nữ đại biểu lưu ý nếu bỏ cấp huyện, cấp xã phải được tăng cường nhân lực và thẩm quyền để giải quyết công việc. Đồng thời, chính quyền cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để người dân không gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ hành chính.Giáo sư Vũ Minh Giang nhận định: "Bớt được cấp huyện thì cũng bớt được rất nhiều đội ngũ cán bộ ăn lương, chi ngân sách, làm hành chính. Đấy cũng là một bước tiến. Chúng ta đã thai nghén lâu rồi nhưng phải đến thời điểm thích hợp, chín muồi triển khai làm mới phù hợp”.
Giáo sư Phan Xuân Sơn cũng đồng tình với việc xóa cấp huyện, nhưng ông cảnh báo rằng cần có phương án xử lý nhân sự phù hợp: "Bộ máy đang cồng kềnh, bây giờ phải tinh gọn lại thì chắc chắn sẽ dôi dư ra đội ngũ nhân sự rất lớn. Việc bố trí số lượng cán bộ dôi dư không đơn giản, không thể làm gấp gáp mà cần có lộ trình thích nghi dần dần".
Giữ chân người tài trong bộ máy
Dự kiến, sẽ có khoảng 100.000 người mất việc liên quan đến cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này. Đến nay, riêng Bộ Nội vụ đã nhận được đơn tình nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ thôi việc của trên 180 người. Số cán bộ xin nghỉ việc đang tăng từng ngày ở các bộ, ngành, địa phương khác.“Họ không nuối tiếc gì hệ thống hành chính này. Mà lại có phụ cấp, trợ cấp để cho họ ra đi nữa thì lực lượng đấy có thể sẵn sàng ra đi. Tôi chứng kiến có nữ cán bộ khoảng 45 tuổi nhận khoảng 2,5 tỷ và ngay lập tức ra mở doanh nghiệp”, Giáo sư Sơn nói.
Theo vị chuyên gia, vấn đề quan trọng là hệ thống hành chính phải biết cách giữ chân người tài, tránh tình trạng họ rời đi, dẫn đến việc cuối cùng chỉ còn lại những người kém năng lực.
Chúng ta giữ lại những người ưu tú nhất trong bộ máy là vấn đề cốt lõi.ĐBQH Nguyễn Việt Nga
Dẫn lại câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” – một tư tưởng của Hoàng đế Lê Thánh Tông do Thân Nhân Trung phụng soạn, Giáo s🍎ư sử học Vũ Minh Giang nhận định:
“Trong khi nhiều nước quân chủ coi nguyên khí quốc gia phải là hoàng đế, phải là hoàng tộc, hoàng gia, còn những người tài năng, trí thức chỉ là nô bộc thì vua Lê Thánh Tông cho người tài là nguyên khí quốc gia, sức mạnh quốc gia nằm ở người tài”.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Việt Nga nhấn mạnh: "Chúng ta giữ lại những người ưu tú nhất trong bộ máy là vấn đề cốt lõi. Việc giải quyết hài hòa giữa sắp xếp tổ chức và đảm bảo quyền lợi cho những người không còn trong bộ máy là rất quan trọng. Chính sách đãi ngộ phù hợp sẽ giúp ổn định đội ngũ cán bộ sau cải cách”.
Bài học lịch sử và kinh nghiệm quốc tế
Giáo sư Vũ Minh Giang nhắc đến hai cuộc cải cách điển hình nhất trong lịch sử Việt Nam, đó là cuộc cải cách nhà Lê - thời vua Lê Thánh Tông và cuộc cải cách dưới thời vua Minh Mệnh - nhà Nguyễn.“Nguyên tắc là không thay đổi được quá khứ nhưng có thể vận dụng những cái đã có trong lịch sử để làm tốt những gì chúng ta đang tiến hành. Đặc biệt có thể lường tính để khắc phục những hạn chế của quá khứ để xây dựng một mô hình hiện đại, phù hợp hơn trong tương lai”, vị giáo sư chia sẻ.
Còn theo Giáo sư Phan Xuân Sơn, cải cách hành chính thành công không thể chỉ là một cuộc sắp xếp trên giấy mà phải thực sự tạo ra sự chuyển biến về chất.“Các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã từng có những cuộc cải cách mạnh mẽ, giảm bớt các cấp hành chính trung gian, phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương và áp dụng công nghệ số vào quản lý để nâng cao hiệu suất”, ông Sơn gợi mở.
Ông Sơn cho rằng việc sáp nhập để hình thành các tỉnh, thành phố lớn hơn với phạm vi quản lý bao quát hơn không phải là điều mới, bởi Việt Nam đã có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực này. Đồng thời, trong khu vực cũng có một số quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam đã áp dụng những mô hình tương tự.Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga lấy ví dụ như Trung Quốc, các tỉnh, thành phố không chia nhỏ như ở Việt Nam. Thành phố trực thuộc tỉnh cũng rất lớn nhưng họ quản lý vẫn tốt. Nhật Bản cũng là một quốc gia châu Á đã thực hiện chia đất nước thành những vùng khác nhau để quản lý."Bài học từ châu Âu cho thấy nhiều nước đã sáp nhập các tỉnh, thành phố để giảm bộ máy hành chính cồng kềnh. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo quyền lợi của người dân, tránh tình trạng khoảng cách địa lý quá xa gây khó khăn trong tiếp cận dịch vụ hành chính công”, bà Nga nói.
Từ những bài học lịch sử và kinh nghiệm quốc tế, có thể thấy rằng cải cách bộ máy hành chính cần có sự tính toán kỹ lưỡng, tránh tư duy làm theo phong trào, đồng thời đảm bảo sự hài hòa giữa hiệu quả quản lý và quyền lợi của Nhân dân.Cần sáp nhập tỉnh trước Đại hội Đảng
Đại biểu Nguyễn Việt Nga khẳng định, việc sắp xếp lại bộ máy là cần thiết, và nếu thực hiện trước Đại hội Đảng XIV, đây sẽ là tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức nhân sự.“Trong việc sáp nhập các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan của địa phương, việc khẩn trương đồng nghĩa với việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Dù thời gian có gấp rút, tôi tin hiệu quả vẫn sẽ rất cao”, bà Nga nói.
Phân tích thêm lý do cần làm ngay, bà Nga cho rằng: “Sau Đại hội Đảng, chúng ta sẽ kiện toàn được tổ chức bộ máy lãnh đạo. Đến lúc sắp xếp lại thì bộ máy đấy lại biến động. Có nghĩa là một bộ máy vừa mới kiện toàn xong thì lại biến động, lại tiếp tục phải xử lý về vấn đề con người, vấn đề cán bộ. Cho nên, chúng ta làm xong trước Đại hội Đảng là thời điểm đẹp nhất”.
Đồng tình với bà Nga, đại biểu Trương Xuân Cừ nhấn mạnh rằng chủ trương tinh gọn bộ máy đã được nghiên cứu từ lâu và đến nay là thời điểm chín muồi để thực hiện.Ông nhận định: "Việc sáp nhập tỉnh và tinh gọn bộ máy không nên kéo dài quá lâu, vì chúng ta đã có sự chuẩn bị từ 2-3 năm qua. Khi triển khai thực hiện, cần có điều chỉnh pháp luật, Hiến pháp cho phù hợp để đảm bảo không có khoảng trống trong quản lý”.
Bình luận