Thiết kế Dinh Độc Lập
- Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là tác giả của rất nhiều công trình rất nổi tiếng, có thể kể đến như Dinh Độc Lập, Đại học Nông lâm TP.HCM, Chợ Đà Lạt… Trong đó, Dinh Độc Lập là công trình tạo dấu ấn đặc biệt. Ông có thể chia sẻ thêm về câu chuyện thiết kế công trình này của cha mình?
Cơ duyên đưa cha tôi đến với Dinh Độc lập là năm 1962 khi một bên mái dinh Norodom hư hỏng nặng. Cha tôi được yêu cầu sửa lại phần hư hỏng, không xây mới.Nhưng trong quá trình sửa chữa, do phần mái sập, phải làm móng xây lại, lúc đấu nối giữa phần sửa chữa và công trình cũ thì công trình bị rung lắc. Phần công trình cũ gần như rệu rạo, không đấu nối được.
- Điều gì ấn tượng nhất với ông ở công trình được cho là đánh dấu sự khởi đầu của phong cách kiến trúc mang dấu ấn riêng của KTS Ngô Viết Thụ này?
Có rất nhiều bài học giá trị mà khi trở thành một kiến trúc sư tôi mới hiểu hết. Trong đó, một giá trị có lẽ không nhiều người để ý, là công trình Dinh Độc Lập tượng trưng cho tinh thần dân chủ.Một điều cũng nhiều người thắc mắc, là ở tiền sảnh đi vào Dinh Độc Lập có tấm bảng lớn giải nghĩa mặt bằng hình chữ Hưng, chữ Chủ, chữ Vương. Người không hiểu sẽ cho rằng đó là phong cách thiết kế của ông Ngô Viết Thụ. Thật ra không phải như vậy.
- Cha ông ảnh hưởng thế nào đến những quan điểm nghề nghiệp, góc nhìn, các thiết kế của ông sau này?
Nói cùng ngành nghề nhưng lĩnh vực hoạt động của cha và tôi hơi khác một chút. Cha tôi làm kiến trúc nhiều còn tôi thì tập trung quy hoạch nhiều hơn.
Tôi đã chứng kiến tất cả đổi thay của TP.HCM suốt 50 sau năm giải phóng, một thành phố luôn đi đầu trong mọi thay đổi của đất nước.KTS Ngô Viết Nam Sơn
- Câu “hổ phụ sinh hổ tử” có lẽ rất đúng với kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Ông nối nghiệp cha, và tài năng cũng không kém cha mình?
Cha tôi rất thương con, mong muốn con mình có điều kiện học tập, phát triển tốt nhất. Cha mẹ tôi không hướng con theo nghề nghiệp nào, không bắt ép con học gì mà để các con tự nhiên chọn lựa, phát triển.Tôi đến với kiến trúc quy hoạch cũng tự nhiên, như cơ duyên vậy.Mà trong gia đình tôi, dù chỉ có mình tôi theo nghiệp kiến trúc của cha, nhưng các anh chị em cũng làm những lĩnh vực liên quan đến kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật.Cha tôi, dù ảnh hưởng cả 2 nền giáo dục Âu – Á, nhưng tư duy rất thoáng.Ông luôn nói với chúng tôi: "Tụi con làm gì mà tụi con thấy hạnh phúc, miễn đó là nghề lương thiện, có đóng góp cho xã hội, là thành công". Nên việc tôi làm cùng ngành nghề với cha, tôi thấy không phải nối nghiệp mà đó là cơ duyên.Cùng tái thiết đô thị sau chiến tranh
- Sinh ra trong thời chiến, bây giờ được chứng kiến những thành tựu TP.HCM sau 50 năm, cảm giác của ông thế nào?
Tôi sinh ra ở Sài Gòn, sau này thành phố vinh dự mang tên TP.HCM. Mình học hành, lớn lên cùng thành phố, trải qua những giai đoạn thăng trầm của thành phố, từ thời chiến đến khi Sài Gòn giải phóng, đất nước thống nhất. Tiếp đó là giai đoạn khó khăn sau chiến tranh từ 1975-1986 và khi đất nước đổi mới thì tôi vừa học xong trường Đại học Kiến trúc, bắt đầu tham gia làm việc.Tôi cũng từng là công chức nhà nước, rồi ra làm kinh doanh riêng, đi du học, làm việc thời gian dài ở nước ngoài rồi lại quay về đóng góp cho thành phố…
- Ông có được làm nhiều công trình chung với cha?
Khi đất nước đổi mới, tôi may mắn học xong kiến trúc. Công trình đầu tiên của tôi là tham gia cùng cha tôi.Lúc đó cha tôi lập một xưởng thiết kế tại nhà, thuộc Viện Nghiên cứu và Thiết kế tổng hợp TP.HCM. Cha tôi muốn làm một khách sạn cho Huế, vì ông không chỉ sinh ra ở Huế, mà còn là đồng đội thời chống Pháp của chú Vũ Thắng, Bí thư tỉnh Bình Trị Thiên lúc đó. Hai người gặp lại nhau và cùng mong muốn có công trình khách sạn để địa phương phát triển du lịch.Cha tôi bàn với chú Thắng và bác Tố Hữu, cũng là bạn thân của họ. Bác Tố Hữu lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng), đã đồng ý duyệt ngân sách cho Huế đầu tư khách sạn, là khách sạn Century bây giờ.Ban đầu tôi chỉ phụ cho cha, về sau cha giao toàn bộ, tôi trở thành người chủ trì và theo suốt dự án từ khi khởi công năm 1990 đến lúc công trình hoàn thành khoảng năm 1993.Đây là dự án đầu tiên của tôi, nếu so với các công trình sau này thì không lớn lắm, chỉ là một khách sạn 3-4 sao, với gần 150 phòng, nhưng thời điểm đó thì nó là dự án trọng điểm của cả tỉnh Bình Trị Thiên, cũng là một trong những công trình đánh dấu giai đoạn đầu đổi mới của đất nước. Cho nên tôi làm dự án đầu tiên này và cũng trưởng thành cùng dự án này.Dự án hoàn thành, hai cha con đi nhậu cùng nhau. Cha tôi cụng ly và nói: "Chúc mừng kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn".Với cha tôi, một kiến trúc sư chỉ thực sự là kiến trúc sư khi họ thực hiện hoàn chỉnh một công trình, từ ý tưởng, thiết kế cho đến khi đầu tư hoàn thiện.
- Có rất nhiều quy hoạch, thiết kế của cố kiến trúc sư Ngô Viết Thụ ở TP.HCM chưa thể thực hiện được. Ông có mong muốn tiếp tục hoàn thiện?
Có chứ. Điển hình quy hoạch cho cả trục Xa lộ Hà Nội kéo tới Biên Hòa.Cha tôi là người được giao và thiết kế các khu công nghiệp Biên Hòa, làng đại học Thủ Đức, khu hội chợ Thủ Đức... Trong đó, làng đại học Thủ Đức xây dựng được một số phần như khu nhà ở, một số trường đại học ông thiết kế như Đại học Nông lâm TP.HCM. Năm 1995, khi Đại học Quốc gia TP.HCM thành lập cũng trên cơ sở bảng quy hoạch của cha tôi được nâng tầm lên.Phương án này khá tốt, nhưng so với TP.HCM hiện nay thì chưa phản ánh hết tầm nhìn. Khu Đông, bao gồm cả Đại học Quốc gia TP.HCM, khu vực đại học Thủ Đức, cùng Khu công nghệ công nghệ cao TP.HCM phải là một tổ hợp vừa đào tạo vừa nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao. Nó là một tổng thể về tri thức quan trọng nhất không chỉ của TP.HCM mà của cả nước.Nếu có cơ hội, tôi rất muốn được tham gia trong dự án nối kết khu vực này lại với nhau thành một đô thị đại học công nghệ đúng nghĩa. Một dự án nữa mà tôi mà tôi mong muốn hoàn thiện là Khu hội chợ quốc tế. Dự án này tôi đã có trao đổi với Sở Công Thương TP.HCM. Hiện thành phố có trung tâm triển lãm ở Quận 7, là khu triển lãm lớn nhất miền Nam, nhưng quy mô nhỏ quá.Hồi cha tôi còn sống, ông đề xuất làm Khu hội chợ quốc tế 30-50 ha ở gần làng đại học Thủ Đức. Tôi kỳ vọng TP.HCM thời gian tới sẽ có một trung tâm hội chợ quốc tế quy mô lớn, xứng tầm.Xin cảm ơn ông!
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn có nhiều năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ. Ông là Tiến sĩ tại Đại Học Washington, Thạc sĩ tại Đại Học California ở Berkeley.
Bình luận