
TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa chia sẻ: “Các thí sinh yên tâm rằng, công nghệ và kể cả AI đều do con người tạo ra. Thứ hai, công nghệ hỗ trợ cho chúng ta chứ không thể thay thế hoàn toàn được. Việc sử dụng những công nghệ AI, BigData, Blockchain,… sẽ hỗ trợ chúng ta. Chỉ những người nào không biết về công nghệ thì sẽ bị thay thế bởi những người biết về công nghệ".
Liên quan đến việc chọn ngành, chọn nghề của thí sinh, ông Khánh cho hay, cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: sở thích, năng lực, đáp ứng nhu cầu thị trường,...“Tuy nhiên thí sinh cần lưu ý là với sự phát triển của công nghệ, cho phép chúng ta tạo nên tính liên ngành. Do đó, thí sinh thích học về Kinh tế có thể sử dụng ngành Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ ngành Thương mại điện tử, Kinh doanh quốc tế,… Hay thí sinh thích những ngành học về sức khỏe, nhưng năng lực chưa đủ điểm thi ngành Y đa khoa, có thể chọn ngành phù hợp như Quản lý bệnh viện hay Chẩn đoán hình ảnh.
Như vậy, công nghệ không thay thế mà là công cụ hỗ trợ rất tốt. Các em cũng đừng nghĩ rằng công nghệ AI sẽ lấy mất nghề và thay thế chúng ta, mà bản thân công nghệ cũng tạo ra những ngành nghề, việc làm mới. Thời của chúng tôi cách đây vài chục năm, làm gì biết đến có nghề Tiktoker, Youtuber,… Cần lưu ý tính sáng tạo và sự cá nhân hóa rất quan trọng, AI không thể thay thế hết được”, ông Khánh nói và khuyên thí sinh đừng loඣ lắng việc ngành nghề bị mất đi.

Liên quan đến một số trường hợp tốt nghiệp bằng giỏi từ trường danh tiếng vẫn không tìm được việc làm hoặc thất nghiệp, ông Khánh chia sẻ: “Năng lực học tập quan trọng, nhưng thái độ, hành vi, kỹ năng và đạo đức mới chính là điểm tạo dấu ấn với người đối diện, trong đó có các nhà tuyển dụng, chủ doanh nghiệp”.
Vì vậy, ông cho rằng các thí sinh hãy mạnh dạn lựa chọn ngành nghề mình yêu thích.Trường đại học thay đổi để giúp sinh viên làm chủ được công nghệ
Một thí sinh khác cũng băn khoăn hiện AI được ứng dụng trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn rất rộng rãi, dẫn chứng là những “robot có thể làm báo”. Vậy cơ hội cho nghề phóng viên ra sao?Bà Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, trên thực tế, AI đang làm thay đổi diện mạo của báo chí, truyền thông ở Việt Nam cũng như quốc tế.“AI có thể phân tích những dữ liệu khối lớn, đưa ra dự đoán, xu hướng, tương tác được với độc giả, thậm chí có thể tạo ra những 'nhà báo robot' sản xuất được khối lượng tin nhanh chóng. Thế nhưng, những công nghệ hiện đại cũng tạo cơ hội cho việc mạo danh, giả giọng nói/hình ảnh. Thực tế tin giả đang được phát tán và tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
Như vậy công nghệ dù có phát triển đến đâu cũng không thể thay được con người, nhà báo đúng nghĩa. Trong bối cảnh mới, nhà báo sẽ phải đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm chứng thông tin; sáng tạo, khám phá những góc nhìn mới để tạo ra tác phẩm báo chí có sức lay động và phục vụ được cộng đồng ở những góc nhìn nhân văn, chân thực, chính xác nhất.
Song cũng vì vậy, càng đòi hỏi nhà báo có kiến thức nền tảng sâu rộng để có thể phân tích, bình luận và đặc biệt có những phản biện xã hội”, bà Hương nói.

Tương tự với ngành ngoại ngữ, bà Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho hay: “Như với ngành biên phiên dịch, AI hiện đã dịch khá đúng. Song nó vẫn chỉ là công cụ hỗ trợ, bởi khách nước ngoài không muốn làm việc với AI thay vì được làm việc với một người cụ thể để có thể trao đổi. Có rất nhiều thứ thuộc về giao tiếp giữa con người với con người mà AI không thể nào thay thế được. Do đó, thí sinh yên tâm ngành nghề vẫn tồn tại, còn AI dùng để tăng cường năng suất lao động mà thôi”.
Bà Phạm Thanh Hà, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, trong thời đại mới, con người cần học cách để làm chủ công nghệ.Ví dụ đối với các ngành kinh tế và kinh doanh, AI có thể phân tích dữ liệu, làm những công việc mang tính lặp đi lặp lại và nếu chúng ta có thể phát triển những tư duy mới, những kỹ năng, kiến thức nền tảng mới trong tương lai thì hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ và biến công nghệ thành công cụ để hỗ trợ cho mình trong mục tiêu nghề nghiệp.
Bình luận