
"Đạt được những kết quả, thành tựu trên là do sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó có vai trò quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đóng góp của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.
Khái quát lại những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được khẳng định, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng MTTQ Việt Nam xứng đáng với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân; tổ chức nòng cốt trong phát huy truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.MTTQ Việt Nam cũng là cầu nối quan trọng của Đảng, chính quyền với Nhân dân; phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong đời sống xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.Bên cạnh những thành tựu, kết quả, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhìn nhận, công tác Mặt trận vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần thảo luận sâu sắc.Theo đó, nhiều nguồn lực trong Nhân dân chưa được phát huy hiệu quả; việc triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua ở một số nơi hiệu quả chưa cao; hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; hoạt động đối ngoại Nhân dân chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của MTTQ Việt Nam và yêu cầu hội nhập quốc tế.Từ đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Đại hội thảo luận sâu sắc những tồn tại, hạn chế này, sớm có biện pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới."Với thế và lực tích lũy đã được sau 40 năm đổi mới đất nước, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đó là kỷ nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện thành công mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Để thực hiện mục tiêu đó, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, ý chí tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại có ý nghĩa then chốt.Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên giữ vai trò nòng cốt có trách nhiệm vinh quang, cao cả. Đề cập thêm một số vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét, quyết định, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, cần thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và yêu cầu cấp bách, hơn bao giờ hết, ưu tiên hàng đầu củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng."Đây là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

"Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Nhân dân; Nhân dân là trung tâm, chủ thể trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng; mọi sự phấn đấu của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị chỉ có ý nghĩa khi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định.
Bên cạnh các giải pháp chăm lo, nâng cao đời sống của Nhân dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, MTTQ và các tổ chức thành viên cần chủ động phối hợp với chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở. Cùng đó, tích cực tập hợp, lắng nghe ý kiến Nhân dân, thật sự trở thành chỗ dựa tin cậy, tiếng lòng của Nhân dân để phản ánh với cấp ủy, chính quyền các cấp; thực hiện giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh. Mặt trận cần tham gia hiệu quả và động viên Nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống lãng phí và tham nhũng, tiêu cực. Trước mắt tích cực tham gia công tác tổ chức, vận động Nhân dân thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý đến việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ theo hướng thiết thực, sâu sát với dân, đồng hành cùng dân, khi dân cần Mặt trận có, khi dân khó Mặt trận sẵn sàng tham gia. Trong đó cần tập hợp, phát huy tối đa vai trò, sự đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển đất nước…Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa với Mặt trận, lắng nghe, tận tâm, tận lực giải quyết công việc của dân; hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm huy động mọi nguồn lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc."Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của Đại hội, chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo, tập hợp đông đảo, bền chặt các tầng lớp Nhân dân cùng chung sức, đồng lòng, phát huy truyền thống yêu nước, bản lĩnh và sức mạnh con người Việt Nam, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, tự chủ, tự hào, vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
Bình luận